Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

0 5 QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ RĂNG SỮA

5 QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ RĂNG SỮA
Một số bậc cha mẹ cho rằng không cần phải chữa răng sữa vì sớm hay muộn nó cũng sẽ rụng. Liệu quan niệm như vậy có đúng không? Bác sĩ nha khoa Valentina Elizarova sẽ cho chúng ta biết cần phải chăm sóc răng sữa ra sao.

1.      Trẻ em không cần đánh răng vì răng chúng thưa và thức ăn không giắt vào răng.
Răng của trẻ em thưa khi số lượng răng còn ít. Nhưng đến 2 tuổi rưỡi, trẻ đã mọc đủ 20 cái và răng đã khít vào nhau. Răng càng khít bao nhiêu thì càng có nguy cơ bị sâu bấy nhiêu. Bởi vậy cần phải dạy trẻ đánh răng từ khi chúng 2 tuổi. Không cần phải chải răng cho trẻ bằng bông gòn khi chúng mới 1 tuổi như một số bà mẹ vẫn làm và cũng không nên trì hoãn việc cho trẻ làm quen với bàn chải đến tận 4-5 tuổi. Hãy để cho chúng tập bắt chước theo cha mẹ.

2.      Thuốc đánh răng có thể gây hại cho trẻ bởi vì đôi lúc chúng nuốt thuốc chứ không nhổ ra.
Ban đầu cần cho trẻ làm quen với thuốc đánh răng trẻ em. Nếu thậm chí trẻ nuốt một chút thuốc cũng không có gì đáng sợ cả - các nhà sản xuất kem đánh răng đã tính đến điều đó. Trước khi kem đánh răng trẻ em được cấp chứng chỉ và giấy phép bán trên thị trường, nó đã trải qua những nghiên cứu khác nhau, trong đó có cả vấn đề trẻ có thể nuốt kem đánh răng vào bụng.

3.      Cần gì phải hàn răng sữa, đằng nào chúng cũng rụng.
Nhất thiết phải chữa trị răng sữa. Thứ nhất là vì lợi ích của răng vĩnh viễn. Chân của răng sữa rộng và bao trùm mầm răng vĩnh viễn. Tất cả những gì xảy ra với răng sữa sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của răng vĩnh viễn. Nếu không chữa khỏi những chỗ sâu răng có thể sẽ bị viêm nướu, trong đó có các dây thần kinh, sau đó là viêm các mô gần răng. Các mầm của răng vĩnh viễn có thể chết. Răng sữa hỏng rất nhanh, đôi khi chỉ trong vòng vài tuần. Thứ hai, những răng không chữa khỏi là những ổ bệnh thường xuyên gây viêm trong khoang miệng.

4.      Răng ở trẻ em không đau bởi vì trong răng sữa không có dây thần kinh.
Trong răng sữa cũng có dây thần kinh. Răng sữa cũng đau nhưng ở một số trẻ chúng bị hỏng rất nhanh nên cảm giác đau không kịp xuất hiện.

5.      Chỉ khi răng vĩnh viễn mọc lộn xộn mới cần đến bác sĩ chỉnh hình, còn răng sữa thì không.
Hiện nay có đến 60% trẻ em cần chỉnh răng ở những mức độ khác nhau. Đa số có hàm hẹp. Trẻ nhỏ chỉ có 20 răng, còn răng vĩnh viễn là 28 hoặc 32, răng mọc lại cũng lớn hơn, rộng hơn. Nghĩa là hàm phải phát triển cả về chiều rộng và chiều cao. Đến 4 tuổi ở trẻ phải hình thành khoảng trống giữa các răng. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng được như vậy. Đó là do trẻ không được luyện hàm: không nhai thịt mà ăn thịt bănm nhiều hơn, không phải gặm những hoa quả cứng. Cha mẹ thường cho trẻ ăn các thức ăn mềm, thức ăn nghiền quá lâu. Bác sĩ chỉnh hình nhất thiết phải xem xét xem hàm của trẻ phát triển thế nào, răng mọc có sít quá không. Cũng có khi trẻ có răng mọc thưa quá, đôi khi có hiện tượng thừa răng. Cho nên vẫn cần đến bác sĩ chỉnh răng. Dù răng của con bạn mọc bình thường hay có vấn đề thì mỗi năm vẫn cần cho trẻ đến bác sĩ nha khoa 2 lần.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

Niền răng Copyright © 2011 - |- Powered by TienHip.